Ngày nay, marketing đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp dù ở bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào. Vậy marketing là gì? Vai trò của marketing trong doanh nghiệp như thế nào? Hãy cùng Góc Nhìn Marketing tìm ra câu trả lời thông qua bài viết này bạn nhé!
1. Marketing là gì?
Đó là câu hỏi của không ít người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này. Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 20 cho đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về marketing đã được đưa ra bởi nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, định nghĩa về marketing ở mỗi thời điểm lại có những sự khác biệt nhất định.
|
Marketing là gì? |
Theo định nghĩa của Ferrell và Lucas (1987), marketing là quá trình lập kế hoạch và thực hiện các ý tưởng, định giá, lập kế hoạch cũng như phân phối ý tưởng, hàng hóa và dịch vụ để tạo ra sự trao đổi nhằm thỏa mãn các mục tiêu của cá nhân và tổ chức.
Mặt khác, "cha đẻ" của ngành marketing hiện đại - Kotler và cộng sự (1996) lại cho rằng marketing là việc đạt được mục tiêu của tổ chức phụ thuộc vào việc xác định nhu cầu và mong muốn của thị trường mục tiêu cũng như mang lại sự thỏa mãn mong muốn một cách có hiệu quả và hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Mãi cho đến tháng 7 năm 2013, Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA) mới đưa ra định nghĩa chính thức dành cho marketing. Theo đó, marketing là hoạt động, tập hợp các thể chế và quy trình nhằm tạo lập, truyền đạt, cung cấp cũng như trao đổi các dịch vụ có giá trị cho khách hàng, đối tác và xã hội nói chung.
2. Vai trò của marketing trong doanh nghiệp
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động marketing cho thương hiệu của mình.
Theo nhiều chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp nên sử dụng khoảng 20% lợi nhuận của mình để phục vụ cho hoạt động marketing. Điều này đã cho thấy marketing thật sự đóng một vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.
Hãy cùng Góc Nhìn Marketing khám phá những lý do đã khiến marketing trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp nhé!
2.1. Thấu hiểu khách hàng
Bằng các hoạt động nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ tiến hành phân tích những dữ liệu thu thập được từ thị trường. Thông qua đó, họ có thể khai thác một số thông tin quan trọng của khách hàng mục tiêu như: nhu cầu, sở thích, tâm lý, hành vi tiêu dùng,... để thực hiện một số chiến lược marketing cá nhân hóa và chạm đúng insight khách hàng. Từ đó làm gia tăng tỷ lệ chuyển đổi cũng như thúc đẩy lòng trung thành của họ với thương hiệu.
Case study: Hiểu được tâm lý thích thể hiện bản thân của giới trẻ ngày nay. Cocacola đã thực hiện chiến dịch "Share a Coke" bằng cách tiến hành in ấn 200 cái tên được sử dụng phổ biến nhất nước Úc trên các sản phẩm tại thị trường này. Kết quả, Cocacola đã thành công khi thu hút rất nhiều khách hàng trẻ sử dụng các chai nước được cá nhân hóa theo tên của họ. Chiến dịch "Share a Coke" phiên bản Việt Nam mang tên "Trao Coca-Cola, kết nối bạn bè" cũng thành công không kém khi đã trở thành một "cơn sốt" trên các nền tảng mạng xã hội.
|
Việc hiểu rõ tâm lý thích sống theo "chủ nghĩa cá nhân" của giới trẻ ngày nay đã khiến chiến dịch "Share a Coke" thành công vang dội |
2.2. Gia tăng doanh số
Doanh số bán hàng là mục tiêu kinh doanh cuối cùng mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều muốn hướng đến. Việc áp dụng các chiến lược marketing phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được khách hàng mục tiêu và khiến họ trở nên "biết - hiểu - tin - yêu" thương hiệu. Từ đó, khách hàng bắt đầu chi tiêu và dần trở nên trung thành hơn với thương hiệu nếu họ cảm thấy bản thân nhận được nhiều giá trị tích cực.
Case study: Thấu hiểu sự áp lực của phụ nữ khi phải cố gắng biến mình trở nên xinh đẹp hơn. Dove đã triển khai chiến dịch "Real Beauty - Vẻ đẹp đích thực" nhằm giúp phụ nữ có thể nhìn nhận về bản thân và ngoại hình của mình một cách tích cực hơn. Theo Global Brands, doanh thu của Dove trong năm 2010 đã tăng trưởng 10% so với năm trước. Không chỉ dừng lại ở đó, tổng doanh thu của Dove trong vòng 3 năm kể từ khi chiến dịch được phát hành đã tăng vọt từ 2 tỷ USD lên 4 tỷ USD.
Chiến dịch "Real Beauty" đã mang về cho Dove doanh thu "khủng" trong suốt một khoảng thời gian dài
2.3. Khác biệt hóa với đối thủ cạnh tranh
Trong một thị trường có mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Việc tạo ra sự khác biệt hóa so với đối thủ là cách mà một doanh nghiệp có thể đưa cho khách hàng lý do để thuyết phục họ nên sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của mình thay vì đối thủ. Sự độc đáo và những giá trị cốt lõi chính là chìa khóa để mở ra thành công lớn cho doanh nghiệp thông qua các chiến lược marketing. Ngoài ra, khác biệt hóa còn mang đến lợi thế cạnh tranh bền vững cũng như góp phần xây dựng bản sắc riêng cho thương hiệu.
Case study: Dior - thương hiệu thời trang sang trọng và xa xỉ bậc nhất thế giới luôn có những hướng đi khác biệt trong hoạt động marketing. Với mục đích hướng đến nhóm khách hàng cao cấp và chỉ quan tâm đến chất lượng của từng sản phẩm. Dior đã định giá những sản phẩm của mình ở mức cao ngất ngưỡng và gần như không có một chương trình giảm giá nào được đưa ra. Điều này đã góp phần tạo nên sự khan hiếm và tính độc quyền mà hiếm có thương hiệu nào có thể thiết lập được. Ngoài ra, với danh mục sản phẩm đồ sộ kèm theo sự hợp tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đã góp phần đưa Dior trở nên khác biệt hóa so với nhiều thương hiệu khác trong cùng phân khúc.
|
Dior - một trong những thương hiệu thành công với chiến lược khác biệt hóa |
2.4. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
"Mục tiêu của marketing là cắt giảm nhu cầu cho bán hàng" - Philip Kotler.
Thật vậy, hoạt động marketing của một doanh nghiệp chỉ thật sự có hiệu quả khi đáp ứng được tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Khi bắt đầu quyết định chi tiêu cho bất kỳ một sản phẩm/dịch vụ nào, điều mà khách hàng mong muốn nhận được là những giải pháp từ chính sản phẩm/dịch vụ đấy có thể mang lại để giải quyết các vấn đề của họ.
Chính vì thế, việc thấu hiểu những mong muốn và trăn trở của khách hàng trong quá trình tiêu dùng chính là cách tốt nhất để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của họ.
Case study: Tại Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 20, quán cà phê chính là một trong những nơi có thể đáp ứng được nhu cầu thư giãn và kết nối xã hội của người dân sau những giờ làm việc mệt mỏi. Nắm bắt được nhu cầu này, ông chủ của thương hiệu Starbucks - Howard Schultz đã biến Starbucks trở thành một "chốn thứ ba" cho khách hàng để "trốn khỏi" công việc và gia đình quen thuộc của mình. Với slogan ban đầu "Đó không chỉ là cà phê, đó là Starbucks", Starbucks không đơn thuần chỉ là một nơi để trải nghiệm cà phê ngon mà còn là "chốn thứ ba" đáng nhớ mà mỗi tín đồ cà phê thường xuyên lui tới.
|
Starbucks - "chốn thứ ba" đáng nhớ của mỗi tín đồ cà phê |
2.5. Duy trì quan hệ với khách hàng
Bạn cần lưu ý rằng, vai trò của marketing trong doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thu hút những khách hàng mới. Trên thực tế, chi phí để thu hút một khách hàng mới thường cao gấp nhiều lần so với chi phí để nuôi dưỡng một khách hàng cũ.
Theo Singh và Khan (2012), các nhà bán lẻ trực tuyến đã mất đến 25% số khách hàng mỗi năm. Mặt khác, một sự gia tăng nhỏ trong việc giữ chân khách hàng có thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận lên hơn 25%. Nguyên nhân của hiện tượng này bắt nguồn từ sự quen thuộc và tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu.
Ngoài ra, sự hài lòng của khách hàng trong quá trình trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ đã khiến họ ngày càng trở nên gắn bó hơn với thương hiệu.
Case study: Amazon - sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới nổi tiếng với những hoạt động duy trì mối quan hệ và chăm sóc khách hàng. Sàn thương mại điện tử này đã cung cấp nhiều dịch vụ hấp dẫn để tăng giá trị khách hàng như Amazon Prime, Amazaon Kindle,... Ngoài ra, Amazon cũng thường xuyên đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng của thương hiệu.
|
Amazon - sàn thương mại điện tử luôn muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng |
Tóm lại, việc hiểu rõ marketing là gì và vai trò của marketing trong doanh nghiệp là những yếu tố cần thiết để thực hiện các hoạt động marketing hiệu quả. Hy vọng rằng những chia sẻ từ Góc Nhìn Marketing đã mang lại cho bạn nhiều kiến thức bổ ích.