Phân tích môi trường vi mô (micro environment) là một trong những hoạt động hết sức cần thiết nhằm xác định những yếu tố ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài viết này, Góc Nhìn Marketing sẽ giải đáp câu hỏi môi trường vi mô gồm những yếu tố nào và ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao.
1. Môi trường vi mô là gì?
Môi trường vi mô (micro environment) là những yếu tố xuất hiện xung quanh doanh nghiệp, đồng thời có sự tác động mạnh mẽ đến khả năng kiến tạo giá trị và thiết lập mối quan hệ với khách hàng.
Có một sự thật rằng chỉ với nguồn lực của phòng ban marketing là không đủ để có thể cung cấp giá trị và đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng. Do đó, một doanh nghiệp muốn có hoạt động marketing hiệu quả là phải biết cách tối ưu và phối hợp với nhiều bên liên quan khác để tạo nên sức mạnh cộng hưởng.
Như vậy, bạn đã hiểu được môi trường marketing vi mô là gì rồi. Hãy cùng Góc Nhìn Marketing tìm hiểu tiếp về các yếu tố môi trường vi mô và sự ảnh hưởng của chúng đối với doanh nghiệp nhé.
2. Môi trường vi mô ảnh hưởng đến doanh nghiệp thế nào?
Trên thực tế, môi trường vi mô ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở rất nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là về mặt doanh thu.
Ví dụ, khi khách hàng dần yêu thích sản phẩm của công ty bạn và bắt đầu có xu hướng tiêu dùng tăng cao thì chắc chắn con số doanh thu mà bạn có được là không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu các nhà cung cấp đột ngột tăng cao giá nguyên liệu đầu vào thì điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận công ty của bạn.
Ngoài ra, chiến lược và hiệu quả của hoạt động kinh doanh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường vi mô đấy. Do đó, việc mà bạn cần làm là tối ưu hóa tất cả các khía trọng xuất hiện ở môi trường vi mô của doanh nghiệp.
3. Môi trường vi mô gồm những yếu tố nào?
Môi trường vi mô bao gồm 6 yếu tố tác động trực tiếp đến việc tạo lập giá trị của doanh nghiệp, bao gồm: Công ty, nhà cung cấp, trung gian tiếp thị, đối thủ, công chúng và khách hàng.
Hãy cùng Góc Nhìn Marketing phân tích sâu hơn về các yếu tố thuộc môi trường marketing vi mô bạn nhé.
3.1. Công ty
Bản thân doanh nghiệp cần phải phát huy tối đa sức mạnh nội tại của mình. Webster (1977) đã từng đề cập đến 1 trong 6 nguyên tắc căn bản của marketing rằng: "Hoạt động marketing là quá quan trọng để giao cho bộ phận marketing". Chính vì thế, việc tận dụng những nguồn có sẵn từ công ty là một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất.
Trên thực tế, không chỉ có bộ phận marketing mới chịu trách nhiệm cho hoạt động marketing của doanh nghiệp. Các bộ phận khác có liên quan như: Tài chính, kế toán, sản xuất, nhân sự, nghiên cứu và phát triển (R&D),... cũng cần "chia sẻ gánh nặng" với bộ phận marketing. Tất cả đều hướng đến khách hàng - những người mang lại lợi nhuận cho công ty.
3.2. Nhà cung cấp
Tuy không trực tiếp làm việc với khách hàng nhưng nhà cung cấp lại là những đơn vị mang đến nguồn lực và nguyên vật liệu cần thiết để công ty có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ đến khách hàng. Chính vì thế, đây là một mắt xích vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chuỗi giá trị khách hàng.
Trên thực tế, doanh nghiệp cần phải kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng và chi phí cung ứng nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ. Chỉ một sự cố nhỏ xảy ra trong quá trình cung ứng cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho công ty.
Chính vì tầm quan trọng của hoạt động cung ứng nên các nhà tiếp thị cũng cần xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với những đơn vị cung ứng.
3.3. Trung gian tiếp thị
Nếu nhà cung cấp đóng vai trò quan trọng đối với đầu vào của doanh nghiệp thì trung gian tiếp thị lại ảnh hưởng lớn đến đầu ra của sản phẩm và dịch vụ đối với công ty. Nhiệm vụ của các trung gian tiếp thị là xúc tiến và phân phối hàng hóa, dịch vụ đến tận tay của khách hàng.
Là một yếu tố quan trọng đối với môi trường vi mô của doanh nghiệp, trung gian tiếp thị bao gồm:
Đại lý: Kênh phân phối giúp công ty có thể tìm kiếm và cung cấp sản phẩm đến khách hàng.
Nhà bán lẻ: Đơn vị phân phối hàng hóa trực tiếp đến những người tiêu dùng cuối cùng của doanh nghiệp.
Nhà bán sỉ: Đơn vị phân phối hàng hóa với số lượng lớn đến những đơn vị kinh doanh hoặc nhà bán lẻ khác.
Công ty phân phối hàng hóa: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm lưu trữ và điều phối hàng hóa đến những nơi cần thiết.
Đại lý dịch vụ tiếp thị: Chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường và giúp doanh nghiệp xác định đúng thị trường tiềm năng cần phân phối.
Trung gian tài chính: Hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề giao dịch tài chính và các vấn đề liên quan, bao gồm: Ngân hàng, công ty tín dụng, công ty bảo hiểm,...
3.4. Đối thủ
Với thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt như thời điểm hiện tại thì việc làm thế nào để vượt trội hơn đối thủ là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm. Một trong những cách để tạo ra ưu thế so với đối thủ là định vị thương hiệu trở nên khác biệt và độc đáo hơn.
Giữa hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trong cùng một lĩnh vực thì việc đáp ứng những yếu tố cơ bản như chất lượng sản phẩm hay giá cả hàng hóa, dịch vụ là điều rất dễ thực hiện. Cái khó là làm sao mang đến cho khách hàng những giá trị mà đối thủ khó có thể thể sao chép được.
Trên thực tế, Starbucks - một thương hiệu cà phê nổi tiếng trên toàn cầu đã thực hiện rất tốt việc này. Yếu tố giúp tạo nên sự khác biệt của Starbucks so với hàng ngàn đối thủ khác là mang đến một "chốn thứ ba" đáng nhớ, một nơi mà khách hàng có thể thoát ra khỏi áp lực công việc và tận hưởng cuộc sống với một ly cà phê trên tay.
3.5. Công chúng
Công chúng cũng là một trong các yếu tố của môi trường vi mô ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Họ là những nhóm người quan tâm và có ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Kotler và Armstrong (2014), công chúng được chia thành 7 nhóm chính, bao gồm:
Nhóm công chúng tài chính: Ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của công ty, nhóm này bao gồm: Cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng,...
Nhóm công chúng truyền thông: Tạo dư luận xã hội và công bố thông tin: Báo chí, đài truyền hình, blogger,...
Nhóm công chúng chính phủ: Những người đóng vai trò cố vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
Nhóm công chúng cộng đồng: Những người tiêu dùng, tổ chức vì người tiêu dùng và một số cộng đồng khác có sự quan tâm đối với doanh nghiệp.
Nhóm công chúng địa phương: Cư dân và người tiêu dùng tại địa phương hoặc thị trường mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Nhóm công chúng đại trà: Tất cả những người có quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của doanh nghiệp nói chung.
Nhóm công chúng nội bộ: Nhóm này bao gồm những người làm việc tại chính doanh nghiệp như: Hội đồng quản trị, nhân viên,...
Doanh nghiệp nên phân bổ nguồn lực phù hợp cho tất cả các nhóm công chúng thay vì chỉ tập chung vào một nhóm cụ thể nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
3.6. Khách hàng
Có thể nói, khách hàng là yếu tố quan trọng nhất của môi trường vi mô ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nguyên nhân bởi vì họ là những người "trả lương" cho nhân viên và giúp công ty có thể duy trì hoạt động.
Thực tế cho thấy nếu doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu và làm hài lòng các "Thượng đế" một cách tối đa thì doanh số và hiệu quả về mặt truyền thông được cải thiện rất nhiều. Đây chính là lý do mà bộ phận marketing nên lắng nghe và thấu hiểu khách hàng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu hành vi và nhu cầu của khách hàng một cách thật kỹ lưỡng trước khi phân khúc. Điều này nhằm tránh tình trạng cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tệp khách hàng không phù hợp, gây thiệt hại lớn cho công ty.
Trên đây là những chia sẻ rất chi tiết của Góc Nhìn Marketing về môi trường vi mô. Hy vọng bạn đã hiểu được môi trường vi mô gồm những yếu tố nào và có ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao trong lĩnh vực marketing.