Để chiến lược marketing được triển khai một cách hiệu quả. Nghiên cứu marketing gần như là hoạt động không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Ngay trong bài viết này, Góc Nhìn Marketing sẽ đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi nghiên cứu marketing nhằm mục đích gì và diễn giải các bước trong quy trình nghiên cứu marketing.
1. Nghiên cứu marketing nhằm mục đích gì?
1.1. Khám phá
Trong trường hợp nhà nghiên cứu có sự hiểu biết hạn chế về một tình huống marketing cụ thể. Việc thực hiện nghiên cứu marketing nhằm mục đích giúp họ khám phá sâu hơn về bản chất và nguyên nhân cốt lõi của vấn đề cần nghiên cứu.
Thông thường, việc nghiên cứu khám phá được thực hiện bằng nhiều phương pháp nghiên cứu định tính như phỏng vấn nhóm, quan sát,...
Ví dụ: Một công ty chuyên kinh doanh đồ trang sức nhận thấy doanh số trong những tháng cuối năm có hiện tượng suy giảm không rõ nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu marketing và phát hiện ra tình trạng trên bắt nguồn từ việc người tiêu dùng dần thắt chặt chi tiêu mua sắm hơn vào dịp cuối năm.
Nghiên cứu marketing giúp khám phá sâu hơn vào bản chất vấn đề
1.2. Mô tả
Nghiên cứu marketing nhằm mục đích mô tả thông qua việc thu thập và trình bày thông tin tổng quan về một hiện tượng hoặc tình huống cụ thể trong lĩnh vực marketing. Những thông tin thường gặp có thể là đối tượng tiêu thụ hàng hóa, quy trình mua hàng, lý do chọn lựa sản phẩm/dịch vụ của khách hàng,...
Số lượng hàng hóa/ dịch vụ mua sắm trực tuyến trung bình của một người trong năm 2022
1.3. Chẩn đoán
Trong nghiên cứu marketing, việc chẩn đoán mang tính hữu dụng cao ở nhiều tình huống. Cụ thể, các nhà nghiên cứu sẽ điều tra những mối quan hệ tương tác với dữ liệu bằng nhiều kỹ thuật phân tích khác nhau. Từ đó, các nhà tiếp thị có thể phân tích vấn đề một cách chi tiết và đề xuất các giải pháp mang tính khả thi cao hơn.
Ví dụ: Một nghiên cứu marketing được thực hiện bởi Salesforce nhằm tìm ra các lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng bỏ theo dõi các thương hiệu trên Facebook có kết quả như sau:
Các lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng bỏ theo dõi các thương hiệu trên Facebook
1.4. Dự đoán
Trên thực tế, việc dự đoán mang tính hữu dụng cao ở nhiều tình huống khác nhau. Cụ thể, chức năng dự đoán có thể giúp các nhà tiếp thị điều tra mối quan hệ tương tác với dữ liệu thống kê thông qua các kỹ thuật phân tích dữ liệu.
Trong lĩnh vực marketing, chức năng dự đoán thường hỗ trợ các nhà nghiên cứu dự báo hành vi và xu hướng người tiêu dùng một cách có hiệu quả.
Ví dụ: Công ty X là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng sách điện tử (ebook). Với mục tiêu kinh doanh là có thể bán ra nhiều sách nhất có thể, công ty X đã triển khai một bộ lọc dựa trên thể loại sách mà khách hàng tìm kiếm. Khi khách hàng bắt đầu tìm kiếm một quyển sách hoặc một chủ đề cụ thể, hệ thống sẽ tự động đề xuất những quyển sách có độ tương đồng cao với quyển sách mà khách hàng cần tìm. Từ đó, khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn và doanh nghiệp có thể bán được nhiều sách hơn. Kết quả, công ty X đã gia tăng 10% doanh thu trong việc bán sách điện tử (ebook) chỉ sau 2 tháng triển khai hệ thống lọc thông tin tìm kiếm.
Như vậy, các bạn đã hiểu được 4 mục đích chính của việc thực hiện nghiên cứu marketing. Tuy nhiên, một hoạt động nghiên cứu marketing có trở nên hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào quy trình triển khai. Dưới đây là các bước trong quy trình nghiên cứu marketing mà Góc Nhìn Marketing muốn giới thiệu đến các bạn.
Bước 1: Xác định vấn đề
Việc xác định vấn đề cần giải quyết là bước đầu tiên trong quy trình nghiên cứu marketing của doanh nghiệp. Thông thường, các nhà nghiên cứu và những người đưa ra quyết định marketing sẽ cùng thảo luận để đảm bảo dự án nghiên cứu marketing đang được triển khai đúng hướng.
Bước 2: Nghiên cứu khám phá
Ở giai đoạn nghiên cứu khám phá, các nhà nghiên cứu marketing sẽ tận dụng những thông tin có sẵn để "lượng hóa" và xác định ranh giới sơ bộ của thị trường. Sau đó, các nghiên cứu định tính được thực hiện nhằm khám phá hành vi của khách hàng. Trong trường hợp này, phương pháp phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm có thể được cân nhắc thực hiện.
Tóm lại, việc thực hiện nghiên cứu khám phá có tác dụng xác định khoảng trống thông tin và tìm ra hướng giải quyết tiếp theo trong quy trình nghiên cứu marketing.
Bước 3: Nghiên cứu định lượng
Nếu nghiên cứu định tính được dùng để đưa ra giả thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng thì nghiên cứu định lượng lại được thực hiện nhằm kiểm định các giả thuyết vừa nêu.
Trên thực tế, kích thước mẫu của nghiên cứu định tính rất nhỏ và thường không mang tính đại diện cho toàn bộ thị trường. Do đó, nghiên cứu định lượng (thường là phương pháp khảo sát) sẽ tiếp tục được thực hiện thông qua việc sử dụng một kích thước mẫu đủ lớn và mang tính chất ngẫu nhiên.
Thông thường, một nghiên cứu định lượng yêu cầu người tham gia khảo sát đưa ra các đánh giá về mức độ quan trọng của những thuộc tính đã được xác định từ nghiên cứu định tính. Các nhà nghiên cứu marketing cũng có thể sử dụng một số thông tin về nhân khẩu học, thói quen, lối sống... mà người tham gia khảo sát đã cung cấp để phân khúc thị trường tốt hơn.
Ngoài ra, phương pháp thử nghiệm cũng có thể được cân nhắc sử dụng trong giai đoạn "định lượng" của nghiên cứu. Theo đó, các mẫu sản phẩm có thể được tiếp cận với cả khách hàng hiện tại lẫn khách hàng tiềm năng nhằm đo lường phản ứng của họ đối với các sản phẩm mới hoặc sau khi được cải tiến.
Bước 4: Phân tích và diễn giải kết quả
Sau khi tiến hành phân tích dữ liệu, mô hình nghiên cứu và các kỹ thuật thống kê được áp dụng nhằm chuyển các dữ liệu thô thành thông tin có ý nghĩa. Một số kỹ thuật nghiên cứu phổ biến có thể được sử dụng như: Phân tích đa biến, phân tích cụm, bản đồ nhận thức,...
Cuối cùng, kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày một cách trực quan nhằm giúp các nhà quyết định marketing cấp cao thảo luận và đưa ra giải pháp tối ưu cho hoạt động marketing tiếp theo của doanh nghiệp.
Trên đây là lời giải đáp cho cho câu hỏi nghiên cứu marketing nhằm mục đích gì và các bước trong quy trình nghiên cứu marketing. Mong rằng những chia sẻ từ Góc Nhìn Marketing đã giúp bạn hiểu sâu hơn về lĩnh vực nghiên cứu marketing.